Đến tối thì bắt buộc phải có đèn đường, nhưng nguy hại cho sức khỏe con người thì sở điện cũng phải xem lại.
Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (AMA) vừa đưa ra một phát biểu chính thức về đèn đường, đi kèm lời khuyến cáo hãy làm giảm độ sáng của chúng lại.
Phát biểu này đều được mọi người đồng tình tại hội nghị hàng năm của Hiệp hội, diễn ra tại Chicago vào ngày 14 tháng 6 vừa rồi, phát biểu đề cập tới vấn đề đèn đường LED đang dần trở nên phổ biến ở nhiều vùng trên nước Mỹ. Một thành viên của Hiệp hội đã đưa ra một bản hướng dẫn chọn lựa và sử dụng đèn đường LED để có thể “giảm những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người cũng như tới thời tiết”.
Các khu đô thị đang dần thay thế hệ thống đèn đường cũ với những cụm đèn LED tiết kiệm điện và có tuổi thọ lâu hơn, mong muốn tiết kiệm được chi phí năng lượng cũng như sửa chữa. Mặc dù hệ thống đèn LED mới này có được những ích lợi ấy, AMA khuyến cáo rằng việc thiết kế đèn một cách hợp lý mới có thể ngăn chặn được những ảnh hưởng sức khỏe của ánh sáng đèn tới con người.
AMA khuyến nghị rằng ánh sáng ban đêm ngoài trời, cụ thể là ánh đèn đường, nên có nhiệt độ màu rơi vào khoảng 3000 Kelvin (3000K). Nhiệt độ màu (CT – Color Temperature) là cách thức đo ánh sáng từ một nguồn, tính xem trong ánh sáng đó có bao nhiêu sắc xanh dương, xanh lá, vàng vả đỏ. Độ CT càng cao thì sắc xanh càng nhiều, ánh sáng sẽ càng trắng sáng dưới mắt chúng ta.
Để cho dễ hình dung, đây là độ K của một số loại ánh sáng, theo như Wikipedia:
• 1000K Ánh nến, đèn dầu.
• 2000K Rạng đông (sớm hơn Bình minh), đèn Wolfram.
• 2500K Bóng đèn sợi đốt.
• 3000K Ánh đèn trong phòng rửa ảnh.
• 4000K Đèn huỳnh quang.
• 5000K Ánh sáng ban ngày, đèn flash điện tử.
• 5500K Trời trong, mặt trời trên đỉnh đầu.
• 6000K Ánh nắng trong điều kiện không mây.
• 7000K Ánh nắng trong tình trạng trời mây.
• 8000K Trời nhiều mây.
• 9000K Bóng mát vào ngày trời trong.
• 10,000K Trời nhiều mây đen, chuyển mưa.
• 11,000K Trời xanh không có mặt trời.
• 20,000K Xế chiều, mặt trời khuất sau núi trong ngày đẹp trời.
Nhiều thành phố tại Mỹ hiện đã thay loại đèn LED có CT rơi vào khoảng 4000k tới 5000K, ví dụ như Seattle hay New York. Đã có một vài lời phàn nàn về sự khó chịu từ tia sáng của những chiếc đèn đường mới này. Ví dụ điển hình là thành phố Davis thuộc bang California, nơi đây người dân đã đòi phải thay thế toàn bộ số đèn LED này.
Một chiếc đèn sáng có nhiệt độ màu vào khoảng 2400K, có nghĩa là nó chứa ít bước sóng ánh xanh dương hơn là màu vàng và màu đỏ. Trước khi điện tồn tại, ta đã đốt củi và thắp nến làm nguồn ánh sáng trong đêm, nhiệt độ màu của chúng vào khoảng 1800K, với sắc vàng/đỏ là chủ yếu và hầu như không có sắc xanh dương. Những thứ ánh sáng chúng ta có ở thời đại này là rất khác.
Những đèn LED được thay thế này, theo như AMA, có hai vấn đề. Chúng gây ra sự khó chịu vì rất chói, do ánh sáng của đèn LED rất tập trung và có mật độ sắc xanh dương lớn, chúng sẽ gây nên sự nhức mỏi mắt nếu nhìn lâu. Bước sóng của sắc sáng xanh với cường độ lớn và liên tục sẽ gây hỏng võng mạc. Những ánh đèn này có thể sẽ cản trở tầm nhìn trong đêm, không an toàn cho người đi bộ cũng như tài xế lái xe trong những buổi tối muộn.
Đơn giản, bạn hãy nhìn vào ánh đèn LED của máy giặt hay tủ lạnh mà xem, tập trung nhìn lâu rất khó vì mắt bạn sẽ bị khô và nhức rất nhanh. Đèn đường cũng vậy.
Ảnh hưởng thứ hai mà các nhà nghiên cứu tại AMA đưa ra đó là đèn LED sẽ gây rối loạn nhịp sinh học hàng ngày của con người.
Nhiệt độ màu (CT) là một đơn vị đáng tin để đo bước sóng ánh sáng hiện diện trong một nguồn sáng. Dù vậy, chỉ số CT không hữu dụng lắm trong đo đạc ánh đèn huỳnh quang (hay còn gọi là đèn tuýp) và ánh đèn LED.
Trong trường hợp này, người ta sẽ sử dụng chỉ số CCT (Nhiệt độ màu tương quan – Correlated Color Temperature). Chỉ số này sẽ đo đếm sự tương quan giữa nguồn sáng với khả năng nhận biết màu của thị lực con người. Với CCT, hai loại ánh đèn với chỉ số 3000K kia sẽ sẽ có những sắc xanh dương khác biệt nhau
AMA khuyến cáo rằng chỉ có chỉ số CCT dưới 3000K thì không đủ chắc chắn cho việc lượng sắc xanh là thấp nhất. Nguồn ánh sáng đó cần phải được xem xét cả lượng sắc sáng khác nữa.
Ô nhiễm ánh sáng đang dần trở thành vấn nạn toàn cầu (không chỉ ô nhiễm không khí hay ô nhiễm âm thanh là đáng lo ngại đâu). Theo như các nhà nghiên cứu tại AMA, ánh sáng trong đêm là một trong những yếu tố cần xét tới khi mà nó có ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe con người. Những nghiên cứu cho thấy, loại ánh sáng này làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của con người, từ đó làm rối loạn nhịp sinh học thường ngày của họ.
Cụ thể hơn, ánh đèn LED trắng được cho là làm giảm lượng melatonin trong cơ thể người nhiều hơn 5 lần so với đèn natri cường độ lớn thường dùng để chiếu sáng đường phố. Thiết hụt melatonin gây ra rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp sinh học và nhiều nghiên cứu cho rằng, việc thiếu melatonin sẽ gây ra ung thư vú ở phụ nữ.
Bên cạnh việc gây hại cho con người, thế giới hoang dã cũng bị ít nhiều ảnh hưởng. Nhiều động vật gồm chim chóc và các động vật biển làm tổ gần bờ cũng bị ảnh hưởng bởi những ánh đèn LED rất chói đó.
Kết luận vấn đề, AMA đưa ra những giải pháp giải quyết như sau:
Đầu tiên, họ ủng hộ việc chuyển đổi đèn LED đúng cách, việc này sẽ giảm năng lượng điện tiêu thụ cũng như giảm lượng nhiên liệu hóa thạch sử dụng.
Thứ hai, AMA khuyến cáo rằng nên điều chỉnh lại những ánh sáng đèn có sắc xanh quá nhiều, nhằm giảm những bệnh về mắt tại cư dân trong khu vực.
Thứ ba, đèn LED đưa vào sử dụng nên có một lớp màng che để làm giảm độ chói của chúng. Điều này sẽ có lợi cho cả con người, động và và toàn bộ môi trường.
Sẽ không có một phương pháp để giải quyết triệt để vấn đề này. Việc chiếu sáng trong đêm là hoàn toàn cần thiết: trong nhà, trong cơ quan làm việc cũng như ở ngoài đường phố. Vấn đề tiết kiệm năng lượng là tối quan trọng, nhưng bên cạnh đó việc đảm bảo sức khỏe con người cũng quan trọng không kém. Công nghệ đèn LED có thể giải quyết được cả vấn đề năng lượng lẫn sức khỏe con người nếu được thiết kế một cách đúng đắn.
Tham khảo TechInsider